Hot trend
7 lỗi thường gặp khi đồng hành cùng con học tiếng anh
Những lỗi sai các mẹ hay áp dụng cho con:
Từ 3 tuổi những vẫn chỉ cho con nghe tự do
– Giai đoạn CHỈ nghe thụ động không dùng sách kết thúc từ lúc 3 tuổi rồi. Từ 3 tuổi các con cần học kết hợp video, nghe loa thụ động nhưng HỌC GÌ- NGHE NẤY. Giai đoạn trước 3 tuổi thì cần tích lũy cho sau này nên nghe đa dạng, còn khi kết thúc giai đoạn nghe thụ động thì chuyển sang kết hợp video, dùng sách, nghe loa tương ứng với bài đang học để tăng hiệu quả, không nghe lan man mất thời gian. Ví dụ: đang học little fox level 1- mrs kelly thì khi nghe loa bấm đúng mỗi mrs kelly cho nghe đi nghe lại.Thường nghe 1 nội dung sẽ chán nên mẹ có thể kết hợp hạt nho, Kelly, single, fed học trong 1 ngày. Nhiều mẹ bật cả cái loa lên không cần biết con đang học video gì, bật cho loa chạy từ đầu tới cuối. học vậy sao mà nhớ được, hiệu quả rất kém, chậm hơn hẳn so với nghe đúng cái đang học
Không cho con thực hành mà chỉ có nạp vào
Việc nạp kiến thức vào chỉ là 1 chiều, con cũng cần thực hành nói từ đơn giản tới phức tạp. Đa phần các mẹ cho con nghe loa, nhìn sách bảo con nói theo loa. Việc này khiến trẻ chỉ nghe rồi lập lại cho có, không tập trung (giống như đọc vuốt đuôi, thậm chí vuốt có vài chữ cho có). Thay vào đó mẹ có thể để con nhìn hình ở sách, mẹ bật loa=> bấm dừng lại, bảo con lập lại cho tới khi hết bài (kèm động viên khen ngợi con).
Khi con đã nhớ được bài 1 chút, mẹ thử cho con tập lồng tiếng ( nói lời thay cho nhân vật), nếu có sách thì để con nhìn hình ảnh nói lại (nhìn hình ảnh, không phải nhìn chữ đọc) để mẹ thấy là con đã nắm bài tốt cũng như rèn cho con quen với việc nói, mở miệng ra nhiều cũng quen, ít ngại.
Ở mức độ cao hơn,khi con học được nhiều, mẹ có thể dùng tranh,sách bất kì cho con nhìn và nói vào ( giống như 1 dạng thuyết trình, nói tự do với tranh ảnh)
Các mẹ bị lỗi này hay hỏi đúng 1 câu: sao con em không bật nói được?
Quá chú trọng việc đọc, viết sớm
Nhiều mẹ có con mới học nghe nói đã định mua sách đọc,viết từ với lý do: viết mới nhớ lâu được.
Đây là quan niệm sai lầm. Muốn học nói thì phải nạp vào bằng nghe, muốn nói được phải mở miệng chứ cái tay nó không biết nói.
Học Phonics quá sớm
Chưa học nghe nói được bao lâu đã nhảy sang học phonics với lí do: các mẹ bảo vậy cho âm nó chuẩn.
-Các bé từ 5 tuổi trở xuống với bản năng học ngôn ngữ còn tốt thì bắt chước rất giỏi, cứ học nghe nói 1 thời gian đã rồi dùng phonics thì bé mới hào hứng và không chán. Lứa nhỏ tuổi mà học phonics sớm chán lắm vì học không hiểu gì hết trơn.
– Các bé từ 6 tuổi trở lên: phát âm sai ngay từ đầu thì học phonics cho bé sửa lại phát âm, nếu phát âm tốt thì cũng cần học phonics để nhớ các âm, vần
Đâm vào học Abeka sớm
– Abeka dành cho trẻ đã nghe, nói, hiểu khá học kiến thức chương trình cấp 1, 2, 3 theo độ tuổi. Các con chưa biết gì các mẹ đã đè học abeka thì đúng là vịt nghe sấm. Nhiều mẹ hỏi mua abeka như vầy, cô Oanh đã cho về chỗ ngồi học lại giao tiếp và dứt khoác không bán.
Ai bảo gì nghe nấy
Nhiều mẹ vầy lắm, ai nói gì cũng nghe, ai đồn cái gì hay là mua ngay về cho con học mà không chịu tìm hiểu, cũng không đọc bài phân tích xem cách học, độ tuổi như nào cho phù hợp. Đẽo cày giữa đường đấy các mẹ, và tí cái cày về mo luôn.
Nhồi con như nhồi vịt
Cái gì cũng mua, gì cũng bắt con học mà không biết con có tiêu hóa được không. Học là tiếp thu kiến thức cũng giống như hấp thụ thức ăn, vừa phải thì nó vào hết, còn quá tải thì nó thải ra sạch. Đi chậm mà chắc vẫn tốt hơn là phi ào ào rồi phi luôn xuống vực.
P/s: Những lỗi này cô Oanh tổng hợp lại từ việc chat chit, gọi điện nói chuyện với các mẹ chứ không phải chém gió ra. Nhiều người nghĩ chắc cô Oanh rảnh lắm nên ai nhắn tin cũng trả lời. Cô không rảnh, thậm chí quá bận là đằng khác. Chat chit nhiều nên tay căng cơ cứng hết, mỗi tuần phải ra chỗ massage khiếm thị họ bóp cho chảy cả nước mắt.