Chia sẻ

Kỹ thuật kể chuyện thuyết phục bất cứ ai

Đó là một ngày đẹp trời vào những năm giữa thế kỷ 19, cậu bé Thomas 7 tuổi chạy từ trường về nhà và nói với mẹ: “Mẹ, thầy giáo chủ nhiệm bảo con đưa cho mẹ cái này”.

Bà mẹ cẩn thận mở ra đọc lá thư. Bỗng nước mắt bà giàn giụa, cậu bé đứng ngẩn người ra kinh ngạc. Cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó? Ngập ngừng một lát, bà mẹ đọc to lá thư cho con trai nghe:

“Con của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.

Nhiều năm sau đó, mẹ của Thomas đã qua đời. Một ngày nọ, khi xem lại những kỷ vật của gia đình, cậu vô tình nhìn thấy một tờ giấy gấp nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Thomas tò mò đã mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết:

“Con trai ông bà là đứa trẻ tâm thần. Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.

Thomas đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, cậu viết trong nhật ký rằng:

“Thomas Edison là một đứa trẻ tâm thần, mà nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.

Bạn sẽ nghĩ sao nếu câu chuyện vừa rồi được viết lại thành thế này: Thomas Edison đi học. Thầy giáo thấy cậu có những biểu hiện thần kinh không ổn định, viết thư cho mẹ cậu ấy về việc cho nghỉ học. Mẹ cậu ấy không cho cậu biết lý do thật. Sau này cậu ấy mới biết chuyện thì mẹ đã mất rồi.

Không còn hấp dẫn 1 chút nào đúng không? Đó chính là lý do vì sao chúng ta nên học cách kể chuyện.

Vì sao nên kể chuyện?

Chúng ta yêu những câu chuyện. Ngày bé chúng ta thích truyện cổ Grimm, truyện Thạch Sanh Thánh Gióng. Lớn thêm tí là 7 viên ngọc rồng, Đảo Hải Tặc, Naruto,… Rồi Tây Du Ký, Harry Potter, Iron Man, Captain America,… Lên mạng thì chúng ta thích hóng drama, hóng biến, hóng phốt. Tất cả đều là những câu chuyện. Bạn cũng có thể thấy, những người thành công nhất là người kể những câu chuyện hay nhất.

Thế giới có hơn 7 tỷ người bán hàng. Bạn không nghe lầm đâu. Bạn và tôi, chúng ta đều đang bán thứ gì đó. Khi bạn muốn thuyết phục người khác tức là đang bán một ý tưởng hay quan điểm, đổi lấy sự chú ý, lắng nghe và niềm tin từ họ. Chúng ta bán sức lao động, bán thời gian, bán giải pháp,… Vậy bạn có biết, người mua hàng họ ra quyết định bởi lý do gì không?

Họ mua những câu chuyện! Họ mua hàng bằng cảm xúc, và ta cũng vậy. Con người suy cho cùng chỉ cần không khí, nước, thức ăn để tồn tại. Những thứ khác đều mang lại cho chúng ta những cảm xúc tốt hơn trong cuộc sống. Không có gì tác động đến cảm xúc người khác tốt hơn là những câu chuyện.

Câu chuyện là gì?

Nói một cách đơn giản, câu chuyện chính là thông tin cộng thêm cảm xúc. Giờ thì bạn đã hiểu vì sao câu chuyện có thể tác động đến hành vi của người khác rồi đấy. Khi tôi nói: “Con chó bị chết. Tôi chôn.” Và khi tôi nói: “Con chó bị chết. Tôi chôn nó trong đau buồn.”

Đó chính là sự khác biệt giữa thông tin và câu chuyện. Khi tôi nói “trong đau buồn”, bạn sẽ hình dung đến những ký ức của bạn về nỗi buồn, kết nối với thông tin tôi đưa ra để cảm nhận câu chuyện của tôi. Đó chính là cách mà câu chuyện có thể kết nối cảm xúc của mọi người. Giờ thì bạn đã hiểu vì sao câu chuyện về Thomas Edison sau khi được viết lại nó chán rồi đấy. Vì nó đơn giản là thông tin và không mang đến cảm xúc cho người nghe.

Một câu chuyện có thể khiến người khác ngạc nhiên, vui vẻ, buồn đau, hay phẫn nộ. Bởi vì một câu chuyện với những thông tin được sắp xếp một cách có trật tự trước sau, với sự dẫn dắt chắc chắn bởi mạch cảm xúc sẽ đưa được người nghe đi qua những cung bậc buồn vui, để cuối cùng đạt được mục đích của người kể chuyện.

Cách để bạn xác định một câu chuyện cơ bản đó là nó có các yếu tố: Ở đâu? Khi nào? Ai? Làm gì? Tại sao? Như thế nào? Ví dụ: “Số người chết vì đại dịch COVID đã lên đến 200 triệu trên toàn thế giới.” Đây không phải là câu chuyện vì thiếu yếu tố: Làm gì? Tại sao? Như thế nào? Còn ví dụ: “Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ, có một cặp vợ chồng. Một ngày nọ, họ chia tay vì không còn yêu nhau nữa. Đó là những yếu tố để làm nên một câu chuyện.” Đó được coi là 1 câu chuyện, khoan hãy xét đến việc hay dở, trước hết nó là 1 câu chuyện cái đã.

Chúng ta sinh ra đã biết kể chuyện! Công thức kia đơn giản là cách chúng ta lấy thông tin để ghép vào thành 1 bức tranh đầy đủ để người khác có thể hiểu được câu chuyện chúng ta muốn nói. Còn làm sao để kể một câu chuyện hay, thì đây lại là câu chuyện của cảm xúc. Thật may mắn là chúng ta có những kỹ thuật để có thể rèn luyện và cải thiện khả năng kể chuyện.

Làm sao để kể một câu chuyện hay?

Thật ra, hay và dở luôn là để nói về sự cảm tính, thuộc về quan điểm của mỗi người. Một câu chuyện có thể người này thấy hay, người kia thấy bình thường. Một bộ phim luôn có kẻ khen người chê là vì vậy. Tuy nhiên, có những công thức chuẩn cho một câu chuyện hay và dễ được số đông chấp nhận. Đó mới là thứ mà chúng ta sẽ bàn ở đây.

Một câu chuyện hay có thể dẫn dắt cảm xúc của người khác và giữ chân họ từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Để nói về những câu chuyện đỉnh cao thì phải nói về những bộ phim. Khi mà họ có thể giữ chân khán giả tới 1,5 – 2 tiếng đồng hồ. Khiến họ bước vào rạp với sự tò mò và hào hứng, đi ra với sự thoải mái, những cảm xúc và câu chuyện. Xương sống của một bộ phim chính là kịch bản. Có rất nhiều công thức và kỹ thuật để tạo nên 1 kịch bản hay. Tất nhiên chúng ta không phải nhà biên kịch, không cần phải biết quá nhiều. Ta chỉ cần 1 vài yếu tố chính cho câu chuyện của mình thôi.

Đầu tiên, một câu chuyện hay cần có bối cảnh. Tiếp đến, chúng ta cần một nhân vật chính. Thứ ba, chúng ta cần cho nhân vật chính một sứ mệnh hay mục tiêu có ý nghĩa để theo đuổi. Thứ tư, cần có nhân vật phản diện cùng những rào cản xuất hiện, ngăn cản nhân vật chính đạt được mục tiêu. Thứ 5, nhân vật chính bị dồn xuống đáy, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm và chúng ta có trận chiến lớn nhất, giải quyết mọi rào cản sinh ra từ đầu câu chuyện. Thứ 6, với một bộ phim chính là phần kết thúc, bỏ ngỏ lại những giá trị cho người xem tự cảm nhận, còn với 1 người kể chuyện, đó là phần lắng nghe sự tương tác, đưa ra bài học và mở rộng ý nghĩa của câu chuyện.

Một người đàn ông bình thường, sẽ được đẩy vào một hoàn cảnh khác thường. Anh ấy bị thất bại vì làm theo cách cũ. Phải thay đổi lối mòn tư duy cũ. Nhân vật phản diện và những khó khăn rào cản đẩy anh đến đường cùng. Rồi bằng một cách nào đó, thường là được giúp đỡ hoặc là đến từ sự thay đổi trong tư duy, anh ta vùng dậy từ đáy vực. Sau khi vượt qua những khó khăn. Anh ấy trở thành một con người mới. Với những trải nghiệm và bài học khiến cuộc sống của anh ấy tốt hơn. Đó là những câu chuyện phiêu lưu với một cái kết có hậu. Là một hình mẫu điển hình cho những câu chuyện hay trong cuộc sống.

Muốn ai đó cảm thấy vui vẻ hơn, thì hãy bằng câu chuyện, dìm cảm xúc của họ xuống, để rồi giải quyết chuyện đó, tạo một cái kết mãn nguyện. Chúng ta muốn thấy kết quả khi đã biết nguyên nhân. Chúng ta thích những câu chuyện tay trắng thành triệu phú. Chúng ta thích những con người từng gặp hiểm cảnh và vượt qua nó một cách ấn tượng.

Làm sao để dùng những câu chuyện để thuyết phục người khác?

Đầu tiên, phải khiến họ đồng cảm. Tức là nhân vật chính trong câu chuyện đừng là siêu nhân, siêu anh hùng, người có trong tay mọi thứ. Nhân vật chính nên có nhiều điểm tương đồng nhất với khán giả. Đó có thể là một nhân viên công chức văn phòng, một sinh viên, một người mẹ,… Những nhân vật này sẽ tạo được sự đồng cảm và dễ đưa được người khác vào câu chuyện của mình hơn.

Thứ hai, mục tiêu và sứ mệnh của nhân vật chính cũng cần phải tương đồng với mong muốn của người nghe. Họ muốn thành công. Họ muốn được nhiều người ngưỡng mộ. Họ muốn giải quyết mâu thuẫn với người thân. Hoặc đơn giản là họ muốn trở thành một người tốt hơn. Đây là cách họ có thể dõi theo từ đầu câu chuyện và háo hức đến cuối, để xem nhân vật đã vượt qua mọi thứ như thế nào và bài học ở đây là gì. Những điều bạn muốn thuyết phục họ tin tưởng hay nghe theo sẽ được cài cắm trong mục tiêu, sứ mệnh và bài học trong câu chuyện.

Cuối cùng, những rào cản và nhân vật phản diện trong câu chuyện minh hoạ được những thứ đã xảy ra trong cuộc sống thực. Cách giải quyết và vượt qua khó khăn của nhân vật chính cũng là bài học có thể ứng dụng được trong thực tế Đây cũng là lý do một câu chuyện có thật dễ thuyết phục người khác hơn phim ảnh.

Những câu chuyện trong đời sống thì có rất nhiều. Bạn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Vấn đề ở đây chỉ cần sắp xếp lại các thông tin chi tiết một cách có trình tự để làm sao nó trở thành một câu chuyện hay. Để rồi sau đó, lựa chọn nhóm người để kể những câu chuyện phù hợp.

Rèn luyện, rèn luyện và rèn luyện

Bạn hãy thử hình dung, khi đến một buổi xin việc, người phỏng vấn hỏi ứng viên tên tuổi, địa chỉ, sở thích, khả năng,… Hỏi câu nào trả lời trúng câu đó. Tôi là Việt, 28 tuổi, thích viết, thích chia sẻ, có kinh nghiệm marketing, truyền thông, bán hàng. Và câu cuối cùng: Em còn gì để nói không? Thì tôi hỏi: Dạ lương ở đây có cao không ạ?

Còn đây có thể sẽ là tôi, nếu đi phỏng vấn ở trong thực tế:

“Dạ thưa anh chị, em là Việt. Em tin vào việc nếu chúng ta hiểu biết về bản thân, chúng ta sẽ có một cuộc đời giá trị hơn. Em thích chia sẻ với mọi người về điều đó. Em có công việc đầu tiên từ khi học năm nhất Đại học, 10 năm qua em đã gặp phải nhiều thất bại, đã từng đánh mất tiền, mất niềm tin từ người khác, thậm chí mất niềm tin vào cả chính bản thân mình. Vượt qua những điều đó, em ý thức hơn ai hết rằng tuyển dụng là một việc đầu tư mạo hiểm. Không thể biết ứng viên đó có thể làm được trong thực tế hay không. Nhưng mọi thứ đều có giá của nó. Với những kinh nghiệm em đã trải qua và khả năng của mình hiện tại, em tin rằng em có thể mang lại cho công ty doanh thu thêm 1 triệu đô trong năm tới. Đây là kế hoạch công việc mà em đã mạnh dạn lên từ trước. Dựa vào những gì vừa trình bày, em mong muốn mức thu nhập phù hợp là như thế này. Các anh chị xem giúp em!”

Đương nhiên những câu chuyện vẫn có thể thất bại, nếu người nghe không cảm nhận được chúng ta. Nhưng đó sẽ là kinh nghiệm để lần sau chúng ta có thể lựa chọn đối tượng tốt hơn, câu chuyện tốt hơn, và cách kể chuyện hấp dẫn và quyến rũ hơn. Có những người bẩm sinh đã là 1 người kể chuyện hay. Tôi không phải người như thế. Tôi biết điều đó và tôi đang cố gắng học hỏi và cải thiện mỗi ngày để tốt hơn.

Hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho bạn. Sẽ thật là tuyệt vời nếu bạn có thể để lại một vài bình luận về những chủ đề bạn thích và muốn được chia sẻ thảo luận. Nếu bạn thấy bài viết này giá trị, thì có lẽ những người bạn của bạn cũng sẽ thấy thế. Hãy chia sẻ cho người phù hợp nhé. Xin cảm ơn!

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button